Chính trị New_Zealand

Bài chi tiết: Chính trị New Zealand

Chính phủ

Elizabeth II, Nữ vương New Zealand từ năm 1952
Thủ tướng Jacinda Ardern

New Zealand là một quốc gia quân chủ lập hiến dân chủ đại nghị,[56] song hiến pháp đảo quốc là bất thành văn.[57] Elizabeth II là Nữ vương của New Zealand và là nguyên thủ quốc gia.[58] Đại diện cho Nữ vương là Toàn quyền, bà bổ nhiệm toàn quyền theo khuyến nghị của thủ tướng.[59][60] Toàn quyền có thể thi hành các quyền lực đặc quyền của quân chủ, như tái xét các vụ tố tụng bất công và tiến hành bộ nhiệm các bộ trưởng, đại sứ và các công chức quan trọng khác,[61] và trong những tình huống hiếm hoi là quyền dự bị (như quyền giải tán Nghị viện hay từ chối ngự chuẩn một đạo luật thành luật).[62] Quyền lực của Nữ vương và Toàn quyền bị hạn chế theo những ràng buộc hiến pháp và họ không thể thi hành một cách thông thường khi không có khuyến nghị của Nội các.[62][63]

Nghị viện New Zealand nắm quyền lập pháp và gồm Nữ vương và Chúng nghị viện.[63] Nghị viện từng có một thượng viện mang tên là Hội đồng Lập pháp, song cơ cấu này bị bãi bỏ vào năm 1950.[63] Quyền lực tối cao của Nghị viện đối với Vương quốc và các cơ quan chính phủ khác được thiết lập tại Anh theo Đạo luật Quyền lợi 1689 và được phê chuẩn thành luật tại New Zealand.[63] Chúng nghị viện được tuyển cử theo hình thức dân chủ và một chính phủ được tạo thành từ đảng hoặc liên minh chiếm đa số ghế.[63] Nếu không thể thành lập chính phủ đa số, một chính phủ thiểu số có thể được lập nên nếu nhận được đủ số phiếu ủng hộ. Toàn quyền bổ nhiệm các bộ trưởng theo khuyến nghị của thủ tướng, thủ tướng theo tục lệ là thủ lĩnh nghị viện của đảng hoặc liên minh nắm quyền.[64] Nội các gồm các bộ trưởng và do thủ tướng lãnh đạo, đây là cơ quan quyết định chính sách cao nhất trong chính phủ và chịu trách nhiệm quyết định các hành động quan trọng của chính phủ.[65] Theo quy ước, các thành viên trong nội các bị ràng buộc với trách nhiệm tập thể đối với các quyết định của nội các.[66]

Tòa nhà "Tổ ong" của Chính phủ New Zealand và Tòa nhà Nghị viện (phải) tại Wellington

Các thẩm phán và quan chức tư pháp được bổ nhiệm một cách phi chính trị và theo các quy định nghiêm ngặt về nhiệm kỳ nhằm giúp duy trì độc lập hiến pháp với chính phủ.[57] Về mặt lý thuyết, điều này cho phép bộ máy tư pháp giải thích luật chỉ dựa theo pháp luật do Nghị viện ban hành mà không có các ảnh hưởng khác đối với quyết định của họ.[67] Xu mật viện tại Luân Đôn là tòa thượng tố tối cao của quốc gia cho đến năm 2004, kể từ đó nó bị thay thế bằng Tòa Tối cao New Zealand được lập mới. Bộ máy tư pháp do Chánh án đứng đầu,[68] gồm tòa án thượng tố, tòa cao đẳng, và các tòa cấp dưới.[57]

Hầu như toàn bộ các tổng tuyển cử nghị viện tại New Zealand từ năm 1853 đến 1993 được tổ chức theo hệ thống đa số chế.[69] Các cuộc bầu cử từ năm 1930 bị chi phối bởi hai chính đảng là Quốc giaCông đảng.[69] Kể từ tổng tuyển cử năm 1996, một hình thức đại diện tỷ lệ gọi là tỷ lệ thành viên hỗn hợp (MMP) được sử dụng.[57] Theo hệ thống MMP, mỗi cử tri bỏ hai phiếu; một phiếu cho ghế tại khu tuyển cử (gồm một số khu dành cho người Maori),[70] và phiếu còn lại bầu cho một đảng. Kể từ tổng tuyển cử năm 2014, có 71 khu vực bầu cử (gồm 8 khu vực bầu cử cho người Maori), và 49 ghế còn lại còn lại được phân dựa theo tỷ lệ phiếu của các đảng, song một đảng giành được một ghế khu tuyển cử hoặc 5% tổng số phiếu cho đảng mới có tư cách có những ghế này.[71] Từ tháng 3 năm 2005 đến tháng 8 năm 2006, New Zealand trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có nữ giới nắm giữ toàn bộ các chức vụ cao nhất (nguyên thủ quốc gia, toàn quyền, thủ tướng, chủ tịch nghị viện, và chánh án).[72]

Quan hệ đối ngoại và quân sự

Kỷ niệm ngày ANZAC tại Đài tưởng niệm quốc gia

Thời kỳ đầu thuộc địa, New Zealand cho phép Chính phủ Anh Quốc quyết định về ngoại thương và chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại.[73] Các hội nghị đế quốc năm 1923 và 1926 quyết định rằng New Zealand nên được phép đàm phán các hiệp ước chính trị của mình, và hiệp định thương mại đầu tiên được phê chuẩn vào năm 1928 với Nhật Bản. Ngày 3 tháng 9 năm 1939, New Zealand liên minh với Anh Quốc và tuyên chiến với Đức, Thủ tướng Michael Savage tuyên bố rằng: "Nơi nào họ đi, chúng ta đi; Nơi nào họ dừng chân, chúng ta dừng chân."[74]

Năm 1951, Anh Quốc bắt đầu gia tăng tập trung vào các lợi ích của họ tại châu Âu,[75] trong khi New Zealand cùng với Úc và Hoa Kỳ tham gia hiệp định an ninh ANZUS.[76] Ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với New Zealand bị suy yếu sau các kháng nghị về Chiến tranh Việt Nam,[77] việc Hoa Kỳ từ chối cảnh cáo Pháp sau vụ chìm tàu Rainbow Warrior,[78] và bất đồng về các vấn đề môi trường và giao dịch nông nghiệp cùng chính sách phi hạt nhân của New Zealand.[79][80] Mặc dù Hoa Kỳ đình chỉ các bổn phận ANZUS song hiệp định vẫn có hiệu lực giữa New Zealand và Úc- là quốc gia có xu hướng chính sách đối ngoại tương đồng trong lịch sử.[81] Hai quốc gia có tiếp xúc chính trị mật thiết, với các hiệp định mậu dịch tự do và hiệp định vãng lai tự do, theo đó cho phép các công dân đến, sinh sống, và làm việc tại hai quốc gia mà không bị hạn chế.[82] Năm 2013, có khoảng 650.000 công dân New Zealand sống tại Úc, tức tương đương khoảng 15% dân số của New Zealand.[83]

New Zealand hiện diện mạnh mẽ tại các đảo quốc Thái Bình Dương. Một phần lớn viện trợ của New Zealand đến với các quốc gia này và nhiều người các đảo quốc Thái Bình Dương nhập cư đến New Zealand để tìm công việc.[84] Di cư thường trú được quy định theo Kế hoạch hạn ngạch Samoa 1970 và Hạng mục Tiếp nhận Thái Bình Dương 2002, theo đó cho phép 1.100 công dân Samoa và 750 công dân các đảo quốc Thái Bình Dương khác trở thành thường trú nhân tại New Zealand mỗi năm. Một kế hoạch lao động thời vụ dành cho di cư tạm thời được thi hành vào năm 2007, và trong năm 2009 có khoảng 8.000 công dân các đảo quốc Thái Bình Dương được thuê theo kế hoạch này.[85] New Zealand tham gia Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, APEC và Diễn đàn khu vực ASEAN (gồm cả Hội nghị cấp cao Đông Á).[82] New Zealand cũng là một thành viên của Liên Hiệp Quốc,[86] Thịnh vượng chung các Quốc gia,[87] OECD[88]

Lực lượng Phòng vệ New Zealand có ba nhánh: Hải quân Hoàng gia New Zealand, Lục quân New ZealandKhông quân Hoàng gia New Zealand.[89] Nhu cầu quốc phòng của New Zealand ở mức khiêm tốn do ít có khả năng chịu tấn công trực tiếp,[90]. New Zealand tham gia chiến đấu trong hai Thế Chiến, với các chiến dịch nổi bật là Gallipoli, Crete,[91] El Alamein[92]Cassino.[93] Chiến dịch Gallipoli đóng một phần quan trọng trong việc bồi dưỡng bản sắc quốc gia của New Zealand[94][95] và củng cố truyền thống ANZAC với Úc.[96]

Ngoài Chiến tranh Việt Nam và hai Thế Chiến, New Zealand còn tham gia chiến đấu trong Chiến tranh Triều Tiên, Chiến tranh Boer thứ hai,[97] Tình trạng khẩn cấp Malaya,[98] Chiến tranh Vùng VịnhChiến tranh Afghanistan. Đảo quốc đóng góp quân cho một số sứ mệnh duy trì hòa bình khu vực và toàn cầu, như tại Síp, Somalia, Bosnia và Herzegovina, Sinai, Angola, Campuchia, biên giới Iran–Iraq, Bougainville, Đông Timor, và Quần đảo Solomon.[99]

Chính phủ địa phương và lãnh thổ ngoại vi

Vương quốc New Zealand

Những người châu Âu định cư ban đầu phân chia New Zealand thành các tỉnh với mức độ tự trị nhất định.[100] Do áp lực tài chính và mong muốn hợp nhất đường sắt, giáo dục, bán đất và các chính sách khác, chính phủ thi hành tập trung hóa và các tỉnh bị bãi bỏ vào năm 1876.[101] Các tỉnh được ghi nhớ trong các ngày lễ công cộng cấp khu vực[102] và thi đấu thể thao.[103]

Kể từ năm 1876, các hội đồng khác nhau quản lý các khu vực địa phương theo luật định của chính phủ trung ương.[100][104] Năm 1989, chính phủ tái tổ chức chính quyền địa phương thành cấu trúc hai tầng hiện tại với các hội đồng khu vực và cơ quan lãnh thổ.[105] 249 khu tự quản[105] tồn tại vào năm 1975 nay được hợp nhất thành 67 cơ quan lãnh thổ và 11 hội đồng khu vực.[106] Vai trò của các hội đồng khu vực là nhằm chỉnh đốn "môi trường tự nhiên với tầm quan trọng đặc biệt là quản lý tài nguyên",[105] trong khi các cơ quan lãnh thổ chịu trách nhiệm về xử lý nước thải, cung cấp nước, đường sắt địa phương, cấp phép xây dựng và các sự vụ địa phương khác.[107] Năm trong số các hội đồng lãnh thổ là cơ quan nhất thể và cũng đóng vai trò hội đồng khu vực.[108] Các cơ quan lãnh thổ gồm 13 hội đồng thành phố, 53 hội đồng huyện, và hội đồng Quần đảo Chatham. Về mặt chính thức, hội đồng Quần đảo Chatham không phải là một cơ quan nhất thể, song nó thực hiện nhiều chức năng của một hội đồng khu vực.[109]

New Zealand là một trong 16 vương quốc trong Thịnh vượng chung.[110][111] Vương quốc New Zealand là lãnh thổ bao gồm các khu vực mà Nữ vương New Zealand có chủ quyền và gồm có New Zealand, Tokelau, Lãnh thổ phụ thuộc Ross, Quần đảo CookNiue.[111] Quần đảo Cook và Niue là những quốc gia tự quản có liên kết tự do với New Zealand.[112][113] Nghị viện New Zealand không thể thông qua pháp luật cho các quốc gia này, mà chỉ có thể hành động nhân danh họ trong các vấn đề đối ngoại và quốc phòng với sự tán thành của họ. Tokelau là một lãnh thổ phi tự quản, sử dụng quốc kỳ và quốc huy của New Zealand, song được quản lý bởi một hội đồng gồm ba nguyên lão (đến từ mỗi rạn san hô vòng).[114][115] Lãnh thổ phụ thuộc Ross là lãnh thổ mà New Zealand tuyên bố yêu sách tại châu Nam Cực, New Zealand vận hành trạm nghiên cứu Căn cứ Scott tại đây.[116] Luật Công dân New Zealand đối đãi bình đẳng với toàn bộ vương quốc, do đó hầu hết người sinh tại New Zealand, Quần đảo Cook, Niue, Tokelau và Lãnh thổ phụ thuộc Ross trước năm 2006 là các công dân New Zealand. Có thêm các điều kiện áp dụng cho những người sinh từ năm 2006 trở đi.[117]

Đơn vị hành chính của New Zealand
Quốc gia chủ quyền New Zealand   Quần đảo Cook Niue
Khu vực11 khu vực phi nhất thể5 khu vực nhất thểQuần đảo Chatham Các đảo ngoại vi không nằm dưới quyền khu vực này
(Quần đảo Kermadec, Quần đảo Three Kings, và Quần đảo Cận Nam Cực)
Lãnh thổ phụ thuộc RossTokelau15 đảo14 làng
Cơ quan lãnh thổ13 thành phố và 53 huyện
Ghi chúMột số huyện nằm tại hơn một khu vựcKết hợp hai cấp khu vực và cơ quan lãnh thổ làm mộtCơ quan lãnh thổ đặc biệtQuần đảo Solander ngoại vi tạo thành bộ phận của khu vực SouthlandLãnh thổ châu Nam Cực của New ZealandLãnh thổ phi tự quản của New ZealandCác quốc gia liên kết tự do với New Zealand

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: New_Zealand http://www.budde.com.au/Research/New-Zealand-Telec... http://www.smh.com.au/money/super-and-funds/kiwis-... http://news.theage.com.au/national/world-mourns-si... http://www.science.unsw.edu.au/news/2006/nzmammal.... http://www.library.uq.edu.au/ojs/index.php/fab/art... http://www.abs.gov.au/Ausstats/abs@.nsf/57a31759b5... http://www.dfat.gov.au/aib/history.html http://www.dfat.gov.au/geo/new_zealand/nz_country_... http://www.anzacday.org.au/spirit/spirit2.html http://www.ck/govt.htm#con